IV. Vài nét về ngành in ở thành phố Hồ Chí Minh sau ngày giải phóng
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc thắng lợi ngày 30.4.1975 cũng là ngày bộ phận lãnh đạo ngành in có mặt tại Sài Gòn để tiếp quản các cơ sở ấn loát. Bộ phận này gồm đồng chí Tám Kiếng, Phan Thanh Ngà (Mười Ngà), Tư Cao, Năm Lăng. Đồng chí Tám Kiếng đã chỉ đạo sử dụng các nhà in Hạnh phúc ở Gò Vấp, nhà in Tương lai (có máy in ốp-xét), nhà in Mỹ Hiệp để in hình Bác Hồ. Nhà in Hạnh phúc đã nhiệt tình đóng góp bằng cách mở kho giấy để in truyền đơn không tính tiền. Công nhân in các nơi phấn khởi làm việc cho cách mạng để đáp ứng yêu cầu của công tác tiếp quản lúc mới giải phóng.
Để in ấn kịp thời các tài liệu phục vụ cho chính quyền cách mạng, các cán bộ ngành in bám trụ tại nội thành đã đến mướn 3 nhà in lớn là: Tân Minh ấn quán ở đường Hồng Thập Tự (nay là đường Xô Viết Nghệ Tĩnh), Sài Gòn ấn quán ở đường Nguyễn Đình Chiểu và Viễn Đông ấn quán ở đường Cống Quỳnh. Ban Trí vận của thành phố cũng đã liên hệ với các đồng chí từng là cán bộ thành đang làm ngành in có thời kỳ bị đứt liên lạc, nay tổ chức in trên 2 triệu tấm ảnh màu chân dung Hồ Chủ tịch phát không cho đồng bào, đồng thời in cờ và các tài liệu của chính quyền cách mạng.
Theo chủ trương chung, ngành in đã tiếp quản ngay các sở sở in của chính quyền Sài Gòn, của bọn phản động và tư sản mại bản bỏ chạy ra nước ngoài. Công nhân viên các nhà in nói trên đã tích cực bảo vệ nhà máy và tận tình giúp đỡ các cán bộ tiếp quản.
Báo Sài Gòn giải phóng đã nhanh chóng in tại Tân Minh quán được tiếp quản, do đồng chí Tư Cao làm giám đốc và đồng chí Hải Vân làm Phó Giám đốc. Nhà in này sau đổi tên là nhà in Sài Gòn giải phóng.
Một số nhà in lớn khác như Sài Gòn ấn quán, Kim Sơn ấn quín, nhà in Thông tin Việt Mỹ, Viễn đông ấn quán, Quốc gia ấn quán, nhà in của quân đội Sài Gòn ở Tân Sơn Nhất. v.v.. cũng được tiếp quản và hoạt động để in gấp các loại sách báo, nhất là sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 phổ thông cho năm học mới. Chỉ trong vòng 45 ngày, ta đã in xong 60 tựa sách của Nhà xuất bản Giáo dục với số lượng khoảng 7 triệu cuốn, đủ cho nhu cầu học. Tiếp đó, Sài Gòn ấn quán đã in nhanh, đẹp các văn kiện, tài liệu của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, báo ảnh nhiều màu gửi đi hơn 60 nước và sách của trên 20 nhà xuất bản Trung ương đã có mặt tại Thành phố.
Tiếp theo công tác tiếp quản là việc đăng ký các nhà in để phục vụ công việc quản lý nhà nước. Chỉ trong vài ngày, các hộ kinh doanh ngành in đã đến Phòng quản lý in đặt tại số 65, đường Phát Diệm (nay là Trần Đình Xu) do đồng chí Mười Ngà phụ trách để hoàn tất việc kê khai.
Theo số liệu đăng ký, toàn thành phố lúc đó có 932 chủ hộ in lớn, nhỏ. Về kỹ thuật thì đủ loại, in Typô, ốp-xét, ống đồng, in trên nilon, in trên thiếc, sắt tây, trên lưới, trên thủy tinh, đóng sách, đúc chữ, chế bản. Tổng số công nhân các nghề trong ngành in lên đến trên 1 vạn người trong đó khoảng một nửa là người Hoa. Nhiều người có tay nghề cao, thâm niên nghề nghiệp có người trên 40-50 năm. Máy móc thiết bị có trên 2000 loại, từ hiện đại đến may pê-đan nhỏ đủ cho một gia đình sinh sống trong xóm nghèo lao động.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới, ngành in Thành phố đã được sắp xếp lại, cải tạo và xây dựng mới, tổ chức thành các loại hình: xí nghiệp in quốc doanh, Công tư hợp doanh in và Xí nghiệp in tập thể. Từ năm 1985 do đặc điểm hoạt động của ngành in và tầm quan trọng của ngành trong đời sống tinh thần của nhân dân nên về cơ bản các loại hình xí nghiệp in đều được quốc doanh hóa. Có thể điểm qua một số nét về tổ chức, hoạt động của các loại hình xí nghiệp đó như sau:
1. Các xí nghiệp in quốc doanh
Công ty in Trần Phú
Nguyên là nhà in Trần Phú in chữ chì do Xứ ủy Nam Bộ thành lập ngày 27.7.1947 tại chiến khu Đồng Tháp Mười hoạt động trong kháng chiến chống Pháp. Sau Hiệp định Genève 1954, một bộ phận của nhà in về Sài Gòn hoạt động bí mật phục vụ cấp ủy rồi được Trung ương Cục miền Nam cho thành lập lại ngày 10.11.1963 tại căn cứ Bến Ra-Lò Gò (Tây Ninh).
Sau 30.4.1975, lực lượng nòng cốt của nhà in về Sài Gòn tiếp quản: Quốc gia ấn quán, nhà in Thông tin Việt Mỹ, nhà in Đông Nam á, Kim sơn ấn quán, Kim Lai ấn quán. Ngày 26.9.1975 Ban Tuyên huấn Trung ương Cục ra quyết định công nhận nhà máy in Trần Phú được thành lập trên cơ sở hợp nhất 5 cơ sở in nói trên với nhà in Trần Phú do đồng chí Nguyễn Thanh Liêm làm giám đốc. Ngày 24.12.1976, nhà máy in được bàn giao cho Bộ Văn hóa trực tiếp quản lý. Năm 1978, nhà máy in Trần Phú tiếp nhận thêm Sài Gòn ấn quán-một cơ sở in lớn, hiện đại của Sài Gòn cũ. Ngày 24.6.1995 được Bộ Văn hóa-Thông tin đổi tên thành công ty in Trần Phú.
Cho đến nay, nhà máy đã thông qua hợp tác quốc tế để hiện đại hóa, trở thành đơn vị hàng đầu ngành in. Nhờ trang bị máy tách màu điện tử, máy in 4 màu hiện đại v.v.. công ty đã nâng cao chất lượng sản phẩm. Năm 1996 đã đạt 7,6 tỉ trang in thành phẩm (13 x 19), doanh thu 63,35 tỉ đồng lợi nhuận 10,2 tỉ đồng và nộp ngân sách 9,5 tỉ đồng.
Xí nghiệp quốc doanh in số 1
Từ tiếp quản nhà in Tòng Bá của người Hoa, xí nghiệp sử dụng máy in ốp-xét tự động chuyên sản xuất bao bì cho ngành dược Sài Gòn (độc quyền in cho hãng Roussel). Năm 1977 xí nghiệp nhập thêm các cơ sở in Nam Đường, Huê Dương Ly Ky, Lương Hữu, Tân Đại Minh trở thành xí nghiệp in Hùng Vương rồi đổi tên là Xí nghiệp quốc doanh in số 1, do đồng chí Nguyễn Xuân Trường làm giám đốc đầu tiên. ít lâu sau, xí nghiệp này giao cho Ban Tài chính-Quản trị Thành ủy quản lý.
Xí nghiệp quốc doanh in số 2
Được xây dựng trên cơ sở các nhà in Vĩnh Lợi Hằng, Thiên Hoa, Đức Xương, chuyên in bao bì, làm giấy carton, có nhiều máy ốp-xét hiện đại và một máy in ống đồng 7 màu. Phần lớn công nhân là người Hoa, tay nghề giỏi nhưng nhiều người đăng ký xuất ngoại. Về sau, xí nghiệp đổi tên là Xí nghiệp in bao bì xuất khẩu thuộc Công ty bao bì xuất khẩu thành phố quản lý. Giám đốc xí nghiệp đầu tiên là đồng chí Bùi Văn Trạch.
Xí nghiệp quốc doanh in số 3
Từ tiếp quản nhà in Mai Lĩnh ở số 720, Trần Hưng Đạo (quận 5) do nhà chủ hiến cho chính quyền Thành phố, trước kia chuyên in vé số, khi mới thành lập do đồng chí Lê Văn Thông làm giám đốc. Hiện nay, xí nghiệp đổi tên là Xí nghiệp in Tài chính thuộc Sở Tài chính Thành phố quản lý, chuyên in vé số kiến thiết và giấy tờ biểu mẫu cho ngành tài chính.
Xí nghiệp quốc doanh in số 4
Hình thành do tiếp quản các nhà in Văn Hữu, nhà in Thanh niên, nhà in Trí Thức mới, nhà in Văn hóa Mỹ thuật, sáp nhập 3 xí nghiệp in tập thể số 2, 4, 7, trở thành một xí nghiệp lớn do đồng chí Nguyễn Văn Minh làm giám đốc.
Liên hiệp khoa học Sản xuất in (LIKSIN)
Thành lập năm 1985 nhằm đưa công nghệ mới vào sản xuất, là mô hình kết hợp giữa khoa học và sản xuất trong ngành công nghiệp in
Hạt nhân để thành lập LIKSIN là nhà máy in Tổng hợp. Nhà máy này được xây dựng trên cơ sở tiếp quản nhà in Nguyễn Bá Tòng của giáo hội đã hiến cho nhà nước, sáp nhập thêm các nhà in Hưng Đạo, Vipco.. Nhà máy in Tổng hợp có nhiều máy in ốpxét tốt, sử dụng máy sắp chữ mônôphin lúc đó thuộc loại hiện đại của thành phố.
LIKSIN đã đi đầu ngành in về trang bị và đưa vào sản xuất máy phân màu điện tử và đưa dấu chữ Việt Nam vào máy vi tính, áp dụng công nghệ sắp chữ điện tử thay cho việc sắp chữ chì. Tổng giám đốc đầu tiên của LIKSIN là đồng chí Phạm Quang Hưng.
Trên địa bàn Thành phố còn nhiều xí nghiệp in quốc doanh do các ngành quản lý. Dưới đây xin nêu vài xí nghiệp:
Xí nghiệp in Tem Bưu điện
Từ một xưởng in nhỏ xây dựng sau giải phóng gọi là xưởng in Bưu điện 2 tại số 750 Điện Biên Phủ (quận 10) thuộc công ty vật tư Bưu điện khu vực phía Nam, đến năm 1985 xây dựng mở rộng nhà xưởng tại số 270 Lý Thường Kiệt (quận 10) rồi chuyển thành Xí nghiệp in Tem Bưu điện trực thuộc Tổng cục Bưu điện.
Nhiệm vụ chính của xí nghiệp là in các loại tem Bưu chính. Cho đến cuối năm 1989, xí nghiệp chỉ có 3 máy ốpxét đặt tay, 1 máy typô nhưng đã nhận in các loại tem cước phí sử dụng trong nước, không phải đặt in ở các xí nghiệp khác. Năm 1990, nhờ đầu tư thêm hệ thống chế bản, chụp phim, nhân phim, phơi bản hệ thống máy cắt, đếm giấy tự động, máy ốpxét 4 màu tự động, đục răng tem tự động.. nên đã đảm nhiệm toàn bộ việc in tem Bưu chính Việt Nam (tem cước phí, tem chơi trong nước và xuất khẩu), không thuê in tem ở nước ngoài nữa. Ban lãnh đạo xí nghiệp gồm các đồng chí: Lê Văn Hoành, Nguyễn Quang Hội, Võ Thanh Sơn, Đoàn Quanh Vinh.
Xí nghiệp in Đường sắt Sài Gòn
Sau giải phóng, ngành đường sắt tiếp quản ấn quán hỏa xa Việt Nam chuyên in vé xe lửa và biểu mẫu các loại cho ngành: xí nghiệp có 13 máy typô các loại (in, dao xén, đục lỗ, bấm răng cưa, mài dao, lò đúc chì, máy in bìa cứng..). Năm 1983, Tổng cục đường sắt nâng cấp nhà máy thành xí nghiệp in Đường sắt Sài Gòn do đồng chí Lê Văn Liêm làm giám đốc. Xí nghiệp được trang bị thêm 5 máy in ốp xét khổ lớh, thải bỏ dần máy in typô, tổ chức lại sản xuất, nâng cao năng suất lao động.
Xưởng in Nguyễn Minh Hoàng
Từ một cơ sở in được ủy ban nhân dân quận 11 tiếp quản tại số 100, đường Lê Đại Hành, năm 1979, ủy ban nhân dân thành phố quyết định giao cơ sở này cho Sở Công an thành phố quản lý nhằm đáp ứng những ấn phẩm nội bộ ngành là chủ yếu, đồng thời cũng nhận in cho các nhà xuất bản các tòa báo, nhãn hàng, bao bì.v.v.. Để có đủ việc làm cho công nhân, xưởng còn sản xuất giấy carton sóng, kẻ giấy tập, thổi màng mỏng.v.v.. Giám đốc đầu tiên là đồng chí Mười Đức.
2. Các xí nghiệp Công ty hợp doanh in và Xí nghiệp in tập thể
Qua công tác cải tạo XHCN, ngành in Thành phố đã lần lượt thành lập 7 xí nghiệp Công ty hợp doanh in từ số 1 đến số 7. Đã cải tạo và tập hợn 12 hộ chế bản thành Xí nghiệp Công ty hợp daonh chế bản lấy mặt bằng của Cliché Dầu ở đường Phát Diệm (nay là Trần Đình Xu) làm văn phòng xí nghiệp do đồng chí Hồ Văn Xuân làm Giám đốc. Cải tạo các hộ đúc chữ Nam Dương, Viễn Giang, Viễn Hưng thành xí nghiệp công ty hợp doanh đúc chữ đóng trụ sở ở nhà đúc Nam Dương do đồng chí Huỳnh Văn Đông làm Giám đốc.
Trên ba trăm hộ tiểu chủ làm nghề in đã được tổ chức lại thành 10 xí nghiệp in tập thể từ số 1 đến số 10, đảm bảo công ăn việc làm cho gần 2000 người. Ngành in Thành phố có trách nhiệm đảm bảo cho các hộ in tập thể về các mặt công việc, giá cả, cán bộ, cung ứng vật tư và đổi mới thiết bị.
Năm 1985, toàn bộ xí nghiệp Công ty hợp doanh in và 10 xí nghiệp in tập thể được sắp xếp lại thành 7 xí nghiệp in quốc doanh từ xí nghiệp in số 1 đến số 7, chỉ còn lại Xí nghiệp Công ty hợp doanh số 8 (tập hợp 4 xí nghiệp in tập thể số 3, 6, 8, 10 với khoảng 500 công nhân và trên 100 máy).
Để thống nhất quản lý ngành in trên địa bàn Thành phố, tháng 3.1978, ủy ban nhân dân Thành phố đã thành lập Công ty Quốc doanh in Thành phố Hồ Chí Minh, đến ngày 23.10.1985 có quyết định thành lập Liên hiệp các xí nghiệp in Thành phố Hồ Chí Minh do đồng chí Nguyễn Kim Xuân (Mười Xuân) làm Tổng Giám đốc, các đồng chí Nguyễn Tấn Khởi (Tám Kiếng) và Nguyễn Thanh Liêm làm Phó Tổng giám đốc. Từ đó các xí nghiệp trực thuộc Liên hiệp được sắp xếp, củng cố lại tổ chức, xây dựng lực lượng lớn mạnh, đầu tư hiện đại hóa để đạt hiệu quả kinh tế cao, phục vụ yêu cầu phát triển của một trung tâm công nghiệp, chính trị văn hóa lớn của cả nước.
Ngành in Thành phố những năm sau giải phóng, ngoài việc khắc phục những khó khăn trong công tác cải tạo, xây dựng lại lực lượng đảm bảo yêu cầu của giai đoạn mới còn phải giải quyết hai vấn đề lớn: phân phối máy móc cho toàn ngành in và tham gia sản xuất giấy.
Trên thực tế, hầu như toàn bộ thiết bị hiện đại phía Nam được tập trung ở Sài Gòn, do đó theo chủ chương chung, cần phân phối một số máy in của Thành phố cho các tỉnh và các đơn vị ở Trung ương.
Theo quy định, các máy in ốp xét hiện đại chỉ được phân phối cho Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và 4 trọng điểm là Hải Phòng, Nghệ Tĩnh, Quảng Nam-Đà Nẵng và Hậu Giang, nhưng tỉnh nào cũng muốn có máy in hiện đại, do đó cũng gây nhiều khó khăn, thậm chí tiêu cực trong việc phân phối máy theo chế độ bao cấp. Hơn nữa, để tránh thất nghiệp, lạicó quy định tỉnh nào nhận máy thì phải nhận luôn công nhân, nhưng trong thực tế, đa số công nhân Thành phố không chịu dời chỗ về sinh sống ở các tỉnh nên chỉ đi giúp các địa phương tự lực được rồi trở về Thành phố. Tuy vậy, cũng có nhiều nơi, công nhân theo máy đã ở lại cả năm trời, được các tỉnh bạn hoan nghênh. Với những địa phương không có vật tư kỹ thuật, thành phố cũng phục vụ luôn, từ đó tăng cường quan hệ mật thiết giữa thành phố và các tỉnh.
Máy in tại nhà máy in Trần Phú ngày nay
Cuối năm 1979, nhiều chủ hộ in tập thể hưởng ứng lời kêu gọi, đã hiến máy để xây dựng lại 6 nhà in ở các tỉnh biên giiới phía Bắc bị chiến tranh xâm lược phá hoại.
Vấn đề này in phải sản xuất giấy xuất phát từ khó khăn thực tế của Thành phố sau giải phóng. Đến năm 1977, kho giấy tiếp quản đã cạn, kế hoạch nhập giấy của Trung ương gặp trở ngại, còn Thành phố thì chưa có kế hoạch nhập giấy của nước ngoài.
Trước nguy cơ bị thất nghiệp, Công ty in Thành phố chủ trương chuyển một số chủ hộ in góp vốn, lao động và kỹ thuật để sản xuất giấy. Kết quả cuộc vận động đã thành lập được các hợp tác xã làm bột giấy như: Trường Sơn, Đồng Tháp, Bình Chánh, Bến Nghé, xí nghiệp công ty hợp doanh bột giấy Tây Hưng. Ngành còn tiếp quản nhà máy giấy Vĩnh Huê. Các cơ sở làm bột giấy chủ yếu theo phương pháp thủ công: dùng dao phay chặt rơm, chẻ, chặt lồ ồ để ngâm làm bột.. Về sau các xí nghiệp in lớn cũng tổ chức phân xưởng sản xuất giấy, cuối cùng có hàng trăm cơ sở tổ hợp sản xuất bột và giấy trên địa bàn thành phố với sản lượng hàng năm khoảng 3000 tấn. Nhờ có giấy mà bảo đảm được kế hoạch in của Thành phố là 25 tỉ trang in/năm, giải quyết công ăn việc làm cho gần một vạn công nhân.
Ngoài ra, ngành in Thành phố còn tích cực giúp đỡ cho cách mạng Campuchia. Một nhà in được xây dựng tại Thủ Đức để phục vụ in ấn tài liệu cho Campuchia do đồng chí Trịnh Văn Muôn làm giám đốc. Các nhà máy in Trần Phú, Hợp doanh 1, Hợp doanh 7 nhận nhiệm vụ in sách báo cho nước bạn. Thành phố cử đoàn cán bộ do đồng chí Nguyễn Tấn Khởi dẫn đầu sang giúp bạn xây dựng nhà in Phnompênh.
Từ khi bước vào giai đoạn đổi mới, chuyển sang kinh tế thị trường, ngành in Thành phố đã khởi sắc, khai thác những tiềm lực sẵn có, tăng cường hợp tác quốc tế, đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao chất lượng in ấn và năng suất lao động, đạt hiệu quả kinh tế-xã hội cao hơn trước. Tuy nhiên để tiến kịp trình độ thế giới với trách nhiệm đi hàng đầu trong công nghiệp in của cả nước, ngành in Thành phố còn nhiều việc phải làm và cần có thời gian để xây dựng. Mặt khác cũng không kém phần quan trọng là khắc phục một số biểu hiện lơi lỏng trong quản lý, tạo sơ hở cho những ấn phẩm xấu làm vẩn đục đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, khắc phục hoạt động in ấn trái phép v.v.v.
Ngành in Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh đã có bề dày lịch sử hơn một trăm ba mươi năm, nếu chỉ tính từ khi thực dân Pháp xâm chiếm Thành phố. Trải qua hơn một thế kỷ tồn tại và phát triển với nhiều bước thăng trầm, không chi do quy luật cạnh tranh của kinh tế thị trường mà còn do vị trí quan trọng của ngành với tính cách là một công cụ, một phương tiện đắc lực về mặt thông tin văn hóa-chính trị của chế độ xã hội, của các phong trào đấu tranh.
Những chiến sĩ cách mạng trong ngành in Thành phố từ những buổi đầu phục vụ gây dựng phong trào bằng các phương tiện in thô sơ, hoạt động bí mật hay công khai đầy nguy hiểm trong lòng địch, chịu đựng hy sinh gian khổ trên chiến khu kháng chiến rồi phấn đấu vượt qua những thử thách trong hoà bình xây dựng để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Sản phẩm của ngành dù là tờ truyền đơn, sách báo, tài liệu cách mạng, bằng phương pháp thủ công hay máy móc hiện đại đều in đậm mồ hôi, có khi cả xương máu của người chiến sĩ ngành in.
Mong rằng, những sự kiện về hoạt động, về con người v.v.. trong lịch sử vẻ vang hàng thế kỷ của ngành in Thành phố sẽ được ghi chép lại đầy đủ, cẩn thận, có hệ thống để có sự đánh giá toàn diện và sâu sắc nhằm rút ra những bài học quý báo cho sự nối tiếp truyền thống trong sự phát triển tương lai đầy hứa hẹn của ngành.
[Theo Hiệp hội ngành in HCM]